Thông tin hoạt động

Nhanh chóng thống nhất việc tiếp nhận, quản lý, khai thác nguồn sách Ban Tuyên Giáo TW trang bị cho xã, phường, thị trấn
Ngày đăng: 29/10/2012

1. Vài nét về Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chấp hành TW, trực tiếp là Ban bí thư TW, ngày 28/02/2011 Ban Tuyên giáo TW tiến hành triển khai Kế hoạch “Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn”. Đây là chủ trương rất quan trọng và thiết thực của Đảng. Với Đề án này, nhằm cung cấp cho cấp xã nguồn sách có nội dung phong phú về phổ biến, giáo dục pháp luật; về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng và quản lý của chính quyền; về những điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt việc tốt; về cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Đề án trang bị sách cho cấp xã của Ban Tuyên giáo TW sẽ góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước. Sau khi thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh thành, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật rà soát lại nội dung 45 ấn phẩm đã phát hành và trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn của 16 tỉnh trong năm 2009 và 2010; từ đó lựa chọn danh mục các cuốn sách tái bản năm 2011; danh mục các cuốn sách cần sửa đổi, bổ sung, cập nhật thông tin để đảm bảo chất lượng trước khi trang bị cho 47 tỉnh còn lại trong năm 2011 và những năm tiếp sau. Theo quy định, mỗi xã, phường, thị trấn được 02 bộ sách; mỗi Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện 01 bộ; mỗi thư viện cấp huyện 01 bộ; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, quận, huyện ủy 01 bộ. Phương thức phát hành được quy định: Sau khi xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với hệ thống tuyên giáo cấp ủy các cấp, tổ chức phát hành, gửi sách trực tiếp tới Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo cấp huyện, thư viện và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các Đảng ủy xã, phường, thị trấn thông qua Công ty Phát hành báo chí TW. Quy chế quản lý và sử dụng sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ngày 28/02/2011 của Ban Tuyên giáo TW quy định: Một là – Cấp tỉnh, huyện giao cho Ban tuyên giáo chịu trách nhiệm phân công cán bộ quản lý sách trang bị cho cơ sở; khi nhận được sách, Ban Tuyên giáo có trách nhiệm báo cáo thường trực cấp ủy để chỉ đạo cấp xã khai thác, sử dụng có hiệu quả. Hai là - Với cấp xã: Đảng ủy, mà trực tiếp là Bí thư Đảng ủy cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả sách trang bị cho cơ sở, bảo đảm đúng mục đích của việc trang bị sách của Đề án.
2. Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với vấn đề này: Ngày 19/9/2011, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản liên quan đến Đề án trang bị sách của Ban Tuyên giáo TW cho đội ngũ Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách văn, xã cấp huyện; lãnh đạo Ban Tuyên giáo; lãnh đạo thư viện và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; cán bộ phụ trách thư viện cấp xã trong toàn tỉnh. Tiếp sau, Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo Triển khai thực hiện chủ trương trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Bà Rịa – Vũng Tàu mang nhiều nét đặc thù, nên lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương sát hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Cụ thể: Ngoài việc xác định trách nhiệm cho các cấp, các ngành, trong đó Bí thư Đảng ủy cấp xã phải là người chịu trách nhiệm cao nhất, thì yêu cầu những đơn vị cấp xã có phòng đọc hoặc thư viện phải cũng cố, tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng sách của Đề án. Những nơi chưa có điều kiện như vậy thì UBND cấp xã xem xét để bố trí phòng đọc sách, đề nghị UBND cấp huyện tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách xây dựng phòng đọc. Giao Sở VHTTDL hướng dẫn, tạo điều kiện cho cơ sở có điều kiện tốt để tiếp nhận, quản lý, khai thác nguồn sách của Đề án đúng mục đích, đạt hiệu quả cao; Sở chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho đội ngũ cán bộ cấp xã và chỉ đạo Thư viện tỉnh hướng dẫn thư viện cấp huyện, cấp xã được trang bị sách lập sổ sách để quản lý khai thác theo đúng chuẩn nghiệp vụ thư viện. Đặc biệt giao cho Ban Tuyên giáo tỉnh phối hợp với Sở VHTTDL thống nhất kiến nghị Ban Chỉ đạo TW chọn đầu mối tiếp nhận sách phải là ngành thư viện, có thể là Thư viện tỉnh hoặc thư viện cấp huyện làm đầu mối tiếp nhận, xử lý, phân phối cho cơ sở, không gửi đến Đảng ủy cấp xã thông qua đường bưu điện như thời gian vừa qua. Đây là sự chỉ đạo đúng đắn và hết sức kịp thời của lãnh đạo Tỉnh.
3. Đôi điều cần quan tâm về thực trạng thực hiện Đề án trang bị sách cho cấp xã trên địa bàn BRVT: Một chủ trương đúng đắn, nhưng để thực hiện được trong thực tế lại là điều không đơn giản. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, cho đến tháng 4/2012 tình hình triển khai và thực hiện Đề án trang bị sách của Ban Tuyên giáo TW cho cơ sở cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng thiếu thống nhất mà thực chất đang diễn ra là “Mạnh ai nấy làm”. Có thể khái quát mấy biểu hiện sau: Một là: 67/82 cấp xã đã nhận được sách của Đề án, nhưng vẫn còn 15/82 xã, phường, thị trấn chưa nhận được; một số nơi nhận được 3 đợt, 2 đợt, nhưng nhiều xã, phường, thị trấn mới chỉ nhận 01 đợt, thậm chí chưa nhận được đợt sách nào từ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật. Hai là: Tiếp nhận, quản lý, khai thác nguồn sách từ Đề án của Ban Tuyên giáo TW trong toàn tỉnh chưa thống nhất, ngay cả trong một đơn vị cấp huyện thì các xã thực hiện cũng không giống nhau. Có nhiều xã, phường, thị trấn thư viện nhận, quản lý và khai thác nguồn sách trên; có nơi thư viện nhận 01 bộ, Đảng ủy cấp xã nhận 01 bộ; có nơi Đảng ủy cấp xã nhận và quản lý toàn bộ số sách của Đề án gửi đến. Ba là: Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Long Điền đã chỉ đạo thống nhất toàn huyện trong việc tiếp nhận, quản lý, khai thác Đề án sách trang bị cho cấp xã. Theo đó ở huyện Long Điền tiến hành thống kê, Đảng ủy cấp xã đã bàn giao toàn bộ nguồn sách đã nhận cho thư viện xã, thị trấn quản lý, phục vụ bạn đọc. Thư viện huyện Côn đảo cũng đã thống nhất việc tiếp nhận nguồn sách từ Đề án và phân phối cho tủ sách 10 khu dân cư trên địa bàn huyện đảo. Còn lại 6/8 đơn vị cấp huyện khác trong toàn tỉnh vẫn “Án binh bất động” về vấn đề này.
4. Làm thế nào để thống nhất quản lý và khai thác hiệu quả nguồn vốn sách quan trọng này? Để giải quyết vấn đề trên, thiết nghĩ, câu trả lời rất đơn giản là: Các cấp, các ngành nhanh chóng thực hiện đúng sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh. Cụ thể: Một: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cùng Sở VHTTDL sớm ngồi lại để bàn bạc, thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo TW cho phép nguồn vốn sách của Đề án chuyển về đầu mối là thư viện tỉnh hoặc thư viện cấp huyện, chứ không phải đầu mối tiếp nhận là Đảng ủy cấp xã như hiện nay. Đây là kiến nghị vừa phù hợp với đặc điểm của địa phương vừa phù hợp với nghiệp vụ chuyên môn mà hệ thống thư viện công cộng đảm nhiệm. Thực hiện được điểm mấu chốt này thì mới có thể thống nhất được việc tiếp nhận, phân phối, quản lý và khai thác đúng mục đích như Đề án yêu cầu. Hai: Trong khi chờ đợi ý kiến của Ban Chỉ đạo Đề án trang bị sách cho cấp xã, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh sớm xử lý ý kiến đề xuất của Sở VHTTDL trong báo cáo số 112/BC-SVHTTDL, ngày 05/4/2012: UBND tỉnh sớm có văn bản thống nhất chỉ đạo tất cả cấp huyện tiến hành kiểm kê số sách đã nhận và bàn giao cho hệ thống thư viện cấp xã xử lý nghiệp vụ, quản lý và khai thác phục vụ bạn đọc trên địa bàn. Ba: Khi UBND tỉnh chưa có văn bản trên, đề nghị các huyện, thành phố trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện như cách làm của huyện Long Điền vừa qua. Phòng Văn hóa và Thông tin hoặc Trung tâm Văn hóa cấp huyện tham mưu với UBND cấp huyện chỉ đạo việc kiểm kê, bàn giao nguồn vốn sách đề án đã nhận cho thư viện cấp xã. Có như vậy mới thống nhất được cách xử lý, tránh mất mát, thất lạc, hư hỏng và nguồn vốn sách của Đề án mới phát huy tác dụng trong thực tế. Bốn: Thư viện tỉnh đang rất mong chờ sự chỉ đạo của cấp trên cho phép mở lớp bồi dưỡng cho tất cả cán bộ thư viện cấp xã và những cán bộ phụ trách ở những đơn vị được nhận nguồn sách từ Đề án để thống nhất những nghiệp vụ cơ bản về tiếp nhận, xử lý, đăng ký, bảo quản, phục vụ đọc tại chổ, cho mượn về nhà, khai thác đúng mục đích quy định. Mặt khác, rất mong muốn chính quyền các cấp quan tâm đến việc đầu tư, trang bị thêm tủ, kệ sách, bàn ghế để có điều kiện tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập qua nguồn sách Đề án của cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Năm: Tăng cường công tác kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và khai thác nguồn sách từ Đề án của tất cả các đơn vị được trang bị. Với cơ sở mỗi quý nên tự kiểm tra, đánh giá công tác quản lý và hiệu quả khai thác sách Đề án một lần; với cấp huyện 06 tháng tổ chức kiểm tra một lần; cấp tỉnh mỗi năm kiểm tra một lần. Hai đến ba năm một lần, tỉnh nên tổ chức hội nghị cán bộ có liên quan trong toàn tỉnh tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; tìm ra những cơ sở thực hiện tốt để các đơn vị khác học tập; kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất từ thực tế nảy sinh trong quá trình thực hiện. Để có thể sớm thống nhất được việc tiếp nhận, quản lý, khai thác Đề án trang bị sách của Ban Tuyên giáo TW cho xã, phường, thị trấn phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Có lẽ thời gian không chờ đợi lâu hơn được nữa. Ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành căn cứ vào sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, tiến hành ngay những công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Đó không chỉ là sự tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên mà còn là mệnh lệnh từ trái tim vì sự nghiệp văn hóa đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét